CPI năm 2022 sẽ ở mức dưới 4%

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 4/1. Năm 2021 lạm phát được kiểm soát thành công

Thông tin về tình hình thị trường, giá cả trong năm 2021, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2016-2021). Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, CPI bình quân năm 2021 tăng do một số nguyên nhân: Giá xăng dầu trong nước tăng 31,74%, giá gas tăng 25,89%, giá gạo tăng 5,79%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03%, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,87%... so với năm trước. Tuy nhiên, năm 2021 cũng có các nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2021 như: ảnh hưởng của dịch Covid đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4, làm cho sức mua yếu nên giá một số mặt hàng giảm; giá lợn hơi giảm do dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế nguồn cung khá dồi dào; nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm... Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như giảm, miễn giá điện cho các người dân tại các địa phương giãn cách. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định giá cả thị trường…

Toàn cảnh hội thảo

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Phòng Chính sách, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cũng cho rằng lạm phát năm 2021 được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI cả năm 2021 là 1,84% là một dấu ấn trong công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19. Việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, Chuyên gia kinh tế đánh giá, kết thúc 11 tháng của năm kế hoạch 2021, CPI ở mức 1,84% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp là một tín hiệu đáng mừng cho kết quả kiểm soát lạm phát trong 1 năm đầy những khó khăn ở thị trường nội địa Việt Nam khi có dịch.

CPI dưới 4%

PGS.TS Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% tức là từ 2 % đến 3% dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Mức dự báo này được đưa ra dựa trên tình hình kinh tế, chính trị xã hội trên thế giới và Việt Nam. Theo đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đặc biệt là biển chủng mới (Omicon); chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc. Bên cạnh đó, trên thế giới thời gian vừa qua hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây và cũng đã tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng theo đánh giá áp lực không quá lớn. Cùng với đó, giá xăng dầu cũng sẽ ổn định, dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế khá tốt. Đặc biệt cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra...

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, trong năm 2022, lạm phát nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Nếu giả định CPI trong năm 2022 sẽ tăng trung bình 0,24%/tháng, tương đương mức tăng trung bình của giai đoạn 2016-2021, thì lạm phát trung bình trong năm 2022 sẽ vào khoảng 1,8%.

Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2022 CPI tăng khoảng 4%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, với vị thế chủ động và những yếu tố chính để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý chúng ta còn dư địa để kiểm soát, ổn định giá cả và tâm lý người dân để hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Các tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam trong năm 2022 tăng khoảng 3,5 - 4%, rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới. Dự báo CPI năm 2022 sẽ ở mức 3,4-3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%.

Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành giá, theo Cục Quản lý giá, năm 2022, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng; biến động của giá nhiên liệu; tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp... Như vậy, ngay từ đầu năm áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn; nhất là khi Tết nguyên đán Nhâm dần 2022 diễn ra sớm nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 có thể ở mức cao theo quy luật khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thời điểm cận Tết. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 25/11/2021 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác quản lý điều hành giá ngay từ những tháng đầu năm để tạo đà cho cả năm 2022. Đồng thời, trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2022 để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới sau đại dịch.

Đề xuất giải pháp, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khó lường thì chúng ta trước hết cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Nếu doanh nghiệp phát triển vực dậy được thì sẽ có công ăn việc làm, thu nhập nâng cao đời sống, nộp ngân sách cho đất nước ngày càng nhiều hơn. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những chính sách tiền tệ, đồng thời cũng thực hiện những chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp. Làm tốt được những vấn đề trên sẽ góp phần vào việc ổn định thị trường giá cả trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% và CPI ở mức 4% trong năm tới, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở Việt Nam theo đúng Nghị Quyết mà Quốc hội đã đề ra.

Trang Thông tin Bộ Tài chính