Đề xuất giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý rủi ro thuế
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Thuế giúp nâng cao hiệu quả, minh bạch trong quản lý rủi ro về thuế, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nhà nước (QLNN) ở nhiều lĩnh vực.
Ứng dụng AI và big data để đánh giá tuân thủ pháp luật thuế
Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, cùng với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, tất yếu cơ quan quản lý thuế phải thay đổi phương thức quản lý thuế, từ quản lý thuế truyền thống sang quản lý thuế theo phương thức phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ người nộp thuế. Do vậy, việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ (QLRRTT) là cần thiết đối với cơ quan thuế Việt Nam.
Theo Ban quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế, qua áp dụng QLRRTT trong quản lý thuế, đã đạt được một số kết quả:
Thứ nhất, tạo được hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành Thuế đến năm 2030 như quy định áp dụng phương pháp học máy (ML), trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng dữ liệu lớn (big data) để đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế bên cạnh phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm và phương pháp xếp hạng theo danh mục.
Thứ hai, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực con người; xác định đúng đối tượng cần kiểm tra thuế, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong việc lựa chọn đối tượng, đảm bảo tính khách quan; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật; hạn chế các hàn vi vi phạm pháp luật thuế. Dựa trên kết quả áp dụng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, kết quả kiểm tra người nộp thuế tại cơ quan thuế các cấp đều tăng qua các năm.
Thứ ba, phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tự động, không có sự can thiệp của con người trong quá trình phân loại hồ sơ hoàn, rút ngắn thời gian phân loại, hồ sơ hoàn, đảm bảo khách quan, công bằng trong phân loại hồ sơ hoàn thuế.
Thứ tư, theo dõi, quản lý chặt chẽ, sát sao tình hình quản lý, sử dụng hóa đơn chứng từ của người nộp thuế, hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp thông qua việc xác định các dữ liệu rủi ro, xây dựng các công cụ, ứng dụng quản lý việc sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế.
Thứ năm, góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan thuế, người nộp thuế và cộng đồng xã hội trong việc cải cách quản lý thuế theo hướng minh bạch, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật về thuế, góp phần nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, giảm chi phí quản lý thuế và chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
Theo đánh giá của đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan thuế đã ứng dụng CNTT vào hệ thống quản lý thuế, giúp tự động phân loại người nộp thuế theo mức độ rủi ro, lựa chọn đối tượng kiểm tra. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT giúp nâng cao hiệu quả, minh bạch trong quản lý rủi ro thuế.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc nhận định, quản lý thuế theo phương pháp QLRRTT là phương pháp quản lý thuế hiện đại, nhiều quốc gia áp dụng, mang lại hiệu quả cao, giúp giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
"Trên cơ sở ứng dụng CNTT, việc phân tích, phân loại rủi ro, đánh giá tuân thủ được thực hiện tự động, khách quan. Cần xây dựng bộ công cụ đánh giá tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, tác động của tính tuân thủ đến hiệu quả hoạt động quản lý thuế Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn, yêu cầu hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế trong nền kinh tế số", chuyên gia Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp tiếp tục ứng dụng CNTT trong quản lý rủi ro
Để tiếp tục thực hiện QLRRTT, bà Ngô Thị Thùy Linh, Phó Trưởng Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế nêu giải pháp: Quản lý tuân thủ hiện đại, dựa trên phân tích rủi ro, được xây dựng trên một số yếu tố cơ bản. Các yếu tố này có thể được phân thành 4 nhóm chính, gồm: xây dựng cơ sở pháp lý; xác định các tiêu chí rủi ro và phương pháp phân tích rủi ro; xây dựng các nguyên tắc và quy trình hướng dẫn thực hiện QLRRTT thuế; xây dựng hệ thống ứng dụng cơ sở dữ liệu và quản lý tuân thủ thuế.
Quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro bắt đầu bằng việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ và đủ mạnh. Với việc áp dụng kỹ thuật, CNTT hiện đại sẽ hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện phương pháp quản lý thuế mới dựa trên phân tích rủi ro này. Việc ứng dụng CNTT cho phép xử lý nhanh chóng một lượng lớn các thông tin, sàng lọc hiệu quả thông tin dựa vào các tiêu chí rủi ro đã được xác định trước, và hỗ trợ việc đưa ra quyết định đối với trường hợp đánh giá là tuân thủ tốt, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.
Bên cạnh đó, đại diện VCCI bổ sung, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế như: Tăng cường tuyên truyền về QLRR cho người nộp thuế thông qua các kênh thông tin như: website, hội nghị, tập huấn, tờ rơi, áp phích,..; Hướng dẫn người nộp thuế cách tự đánh giá mức độ rủi ro tuân thủ thuế của bản thân. Đi liền với đó là phát triển ứng dụng CNTT trong quản lý rủi ro, gồm: Hoàn thiện hệ thống quản lý thuế điện tử, tích hợp các chức năng đánh giá rủi ro, lựa chọn đối tượng kiểm tra,... Phát triển các ứng dụng di động giúp người nộp thuế dễ dàng tra cứu thông tin về quản lý rủi ro, tự đánh giá mức độ rủi ro tuân thủ thuế.
Dẫn chứng tại số nước đã áp dụng về quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số, đại diện VCCI gợi mở cách làm cho các cơ quan quản lý tại Việt Nam như cách làm về phát triển hệ thống thuế điện tử: Cần hoàn thiện hệ thống thuế điện tử hiện đại, tích hợp đầy đủ các chức năng như kê khai, nộp thuế, quản lý hồ sơ thuế, thanh toán thuế,... Áp dụng hệ thống thuế điện tử cho tất cả các đối tượng nộp thuế, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân. Đồng thời, phát triển các dịch vụ thuế điện tử tiện lợi, dễ sử dụng cho người nộp thuế.
Tại Ấn Độ, nước này đã áp dụng hệ thống thuế điện tử Goods and Services Tax Network (GSTN), giúp tăng cường thu thuế và giảm thiểu gian lận thuế. Trong khi đó, tại Singapore đã áp dụng hệ thống thuế điện tử Inland Revenue Authority of Singapore (IRAS), giúp tự động hóa nhiều quy trình thuế và cung cấp dịch vụ thuế trực tuyến cho người nộp thuế.
Đi cùng với đó, nhóm giải pháp về tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu cũng rất đáng được Việt Nam tham khảo, bởi giải pháp này giúp tận dụng dữ liệu từ các nguồn khác nhau như: cơ quan nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, mạng xã hội,... để đánh giá rủi ro thuế và xác định các đối tượng có khả năng vi phạm luật thuế; Phát triển các công cụ phân tích dữ liệu hiệu quả để hỗ trợ công tác quản lý thuế. Đáng chú ý, sử dụng AI để tự động hóa các quy trình thuế và phát hiện các hành vi vi phạm thuế.../.
NĐD-VP
https://ictvietnam.vn/