Chính sách thu lệ phí trước bạ (LPTB) được thực theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP (Nghị định 140) ngày 10/10/2016 của Chính phủ, đến nay sau 5 năm thực hiện, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thu LPTB tại Nghị định 140, đồng thời nghiên cứu để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về LPTB. Ngày 6/8, Bộ Tài chính có công văn số 8836/BTC-CST gửi các cơ quan Bộ, Ngành và tổ chức có liên quan để lấy ý kiến về dự án Nghị định.
Cổng TTĐT Sở Tài chính xin giới thiệu một số nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị định trên theo 2 phần nội dung:
Phần 1: Bộ Tài chính đánh giá về 5 năm thực hiện thu lệ phí trước bạ theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP
Phần 2: Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến lệ phí trước bạ
Phần 1: Đánh giá về 5 năm thực hiện thu lệ phí trước bạ theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP
Hiện nay, chính sách thu lệ phí trước bạ (LPTB) hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về LPTB và Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP.
Đánh giá sau 5 năm thực hiện, Bộ Tài chính cho biết chính sách thu LPTB hiện hành đã đạt được một số kết quả tích cực như góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sở hữu, sử dụng tài sản; cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện; ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chính sách này còn góp phần thực hiện chính sách ưu đãi của nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giao thông vận tải, khoa học công nghệ khi nhiều tài sản phục vụ cho sự cải cách này được miễn LPTB hay người dân, hộ nghèo, các đối tượng chính sách được ghi nợ tiền sử dụng đất...
Tàu thủy là một trong những tài sản được miễn LPTB. Ảnh: H. Tuấn
Thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch
Trong 5 năm thực hiện chính sách thu LPTB, có thể thấy nổi bật là việc cải cách thủ tục hành chính minh bạch, rõ ràng trong quá trình thực hiện góp phần cải cách hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc quản lý thu, nộp thuế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết 36a/NQ-CP, từ ngày 01/01/2017. Nghị định số 140/2016/NĐ-CP đã quy định giao Bộ Tài chính ban hành Bảng giá tính LPTB đối với ô tô, xe máy để áp dụng chung trên toàn quốc, thay thế cho 63 Bảng giá của 63 tỉnh. Trong trường hợp giá chuyển nhượng tài sản thực tế trên thị trường thấp hơn giá tính LPTB do Bộ Tài chính ban hành thì áp dụng giá theo quy định của Bộ Tài chính ban hành. Quy định này đã tạo thuận lợi cho việc khai, nộp LPTB qua mạng, góp phần hạn chế các thủ tục hành chính không cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ và tăng cường công tác quản lý thuế, đảm bảo tính minh bạch trong việc xác định khoản thu và giảm công việc thu thập, tổng hợp, nghiên cứu ban hành Bảng giá tính LPTB tại địa phương.
Hình thức khai điện tử LPTB ô tô, xe máy được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; nộp điện tử LPTB ô tô, xe máy thông qua dịch vụ của các ngân hàng thương mại hay nộp điện tử LPTB nhà đất qua Cổng Dịch vụ công quốc gia… được phổ biến rộng rãi tới người nộp thuế, qua đó góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Kết quả sau hơn 1 năm triển khai thu LPTB điện tử (từ ngày 12/3/2020 đến ngày 28/6/2021), tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số lượng giao dịch nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy là 23.124 phương tiện (TP.HCM: 7.376 tờ khai; Hà Nội: 15.748 tờ khai); tương ứng với số tiền LPTB đã nộp điện tử là gần 623,3 tỷ đồng (TP.HCM: 77,3 tỷ đồng; Hà Nội: 546 tỷ đồng). Đối với 61 tỉnh thành phố còn lại, sau gần 11 tháng triển khai (tính từ ngày 01/8/2020 đến ngày 28/6/2021) số lượng giao dịch nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy là 248.833 phương tiện (tương ứng với số tiền LPTB đã nộp điện tử hơn 1.651 tỷ đồng) trên tổng số 4.871.436 lượt giao dịch nộp ô tô, xe máy (tương ứng với 31.827,3 tỷ đồng).
Việc thực hiện điện tử hóa thủ tục khai, nộp LPTB đối với ô tô, xe máy trên toàn quốc được ước tính giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế là khoảng 1.020 tỷ đồng/năm (tính theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính).
Ngoài ra, Nghị định số 140/2016/NĐ-CP cũng quy định chi tiết các trường hợp được miễn LPTB, ghi nợ LPTB, chế độ khai, thu, nộp LPTB, đảm bảo phù hợp với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan (Luật phí và lệ phí, Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...) và đảm bảo phù hợp thực tế phát sinh tại các địa phương. Chính sách về LPTB rõ ràng, minh bạch đã tạo cơ sở cho người nộp thuế và cơ quan thu thuế thực hiện tốt chính sách; hạn chế vướng mắc, khiếu nại của người nộp LPTB, tạo điều kiện thuận tiện cho cơ quan thuế trong việc quản lý thuế, giảm chi phí hành chính.
Bên cạnh đó, các hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian thực hiện các quy định tại Nghị định số 40/2016/NĐ-CP đã được khắc phục, sửa đổi kịp thời tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP. Theo đó, đã hoàn thiện các quy định liên quan đến Bảng giá, giá tính LPTB, mức thu LPTB, đối tượng miễn LPTB và thủ tục khai thu LPTB, đảm bảo phù hợp với thực tế phát sinh và yêu cầu quản lý nhà nước.
Góp phần mở rộng cơ sở thu hợp lý
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 140/NĐ-CP cho thấy kết quả là Nghị định này đã góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) thì LPTB là khoản thu ngân sách địa phương (NSĐP) hưởng 100%. Đây là nguồn thu đóng vai trò quan trọng trong tổng thu địa phương, góp phần đảm bảo ngân sách để chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý. Hàng năm, cơ quan thuế địa phương đều tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đối với khoản thu này nhằm phát hiện những kẽ hở trong quản lý thu, các vướng mắc, những kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý hành thu để tiếp tục có giải pháp tăng cường quản lý, chỉ đạo quản lý, khai thác tốt nguồn thu cho ngân sách.
Số thu LPTB giai đoạn 2012-2020 bình quân khoảng 24.740 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 2,1% tổng thu NSNN; 2,9% tổng thu nội địa và 4,8% tổng thu NSĐP. Số thu LPTB cũng tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 16% so năm liền kề. Nếu số thu LPTB năm 2012 chỉ đạt 11.816 tỷ đồng thì đến năm 2019 số thu LPTB tăng lên đạt 40.194 tỷ đồng, tăng 240% tương đương 28.378 tỷ đồng so với năm 2012.
Cơ cấu thu LPTB theo các nhóm tài sản cũng tăng đều qua các năm, đặc biệt là số thu LPTB đối với ô tô tăng mạnh, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số thu LPTB với tỷ trọng bình quân (tính cho giai đoạn 2017-2020) khoảng 73% tổng số thu LPTB. Số thu LPTB từ nhà, đất chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 với sự tăng trưởng ổn định qua các năm, từ 1.454 tỷ đồng vào năm 2012 tăng lên gấp 4 lần và đạt 5.838 tỷ đồng vào năm 2019; xét riêng giai đoạn 2017-2019, số thu LPTB bình quân đối với nhà, đất đạt khoảng 5.575 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với bình quân của giai đoạn 2012 - 2016 (2.216 tỷ đồng).
Sự tăng trưởng mạnh trong số thu LPTB qua các năm ngoài những yếu tố khách quan như sự phát triển kinh tế, tăng trưởng nhu cầu mua sắm và sở hữu tài sản, việc minh bạch và thống nhất hệ thống chính sách LPTB đã góp phần mở rộng cơ sở thu hợp lý, tạo hiệu quả trong việc quản lý thu LPTB.
Riêng năm 2020, số thu LPTB giảm 28% so với năm 2019, chỉ đạt 31.295 tỷ đồng (trong đó số thu LPTB đối với ô tô là 24.679 tỷ đồng, đối với nhà, đất là 6.403 tỷ đồng). Nguyên nhân số thu LPTB năm 2020 giảm xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, nhìn chung khi loại bỏ các yếu tố khách quan và bất khả kháng từ dịch bệnh, số thu LPTB luôn có tốc độ tăng ổn định trong các năm, chiếm một phần quan trọng trong tổng thu NSNN và tổng thu NSĐP.
Do số thu LPTB từ ô tô luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu LPTB. Cộng hưởng các yếu tố khách quan từ dịch bệnh và các chính sách được ban hành trong thời điểm này đã tác động làm giảm số thu LPTB đối với ô tô riêng trong năm 2020. Do vậy, ngay khi Nghị định số 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành, trong 5 tháng đầu năm 2021 (tính đến 21/5/2021), số thu LPTB đạt khoảng 13.539 tỷ đồng, tăng gần 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Hỗ trợ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và an sinh xã hội
Nghị định số 140/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP) quy định chuyển các trường hợp không thu LPTB trước đây sang miễn LPTB để đảm bảo phù hợp với Luật phí và lệ phí về thẩm quyền của Chính phủ trong quy định miễn LPTB (không quy định trường hợp không thu LPTB). Trong đó, quy định miễn LPTB đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, đất nông nghiệp do được khai hoang; nhà, đất của doanh nghiệp khoa học công nghệ, của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo... Đồng thời, quy định bổ sung miễn LPTB đối với tàu thủy, thuyền chở khách tốc độ cao, tàu thủy, thuyền vận tải công-ten-nơ và phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Các quy định này đã góp phần thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo; phát triển giao thông vận tải.
Mặt khác, chính sách cho phép ghi nợ LPTB đối với đất và nhà gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về tiền sử dụng đất (như trường hợp hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu hoặc nhà nước giao đất tái định cư mà chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất, hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo theo quy định). Từ đó, góp phần giải quyết khó khăn cho hộ gia đình, cá nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, trong năm 2020, nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đối với ngành sản xuất ô tô trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, theo đó quy định giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nghị định số 70/2020/NĐ-CP đã cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể, tại điểm 1 mục II Nghị quyết số 84/NQ-CP có đưa ra giải pháp: giảm 50% LPTB khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 70/2020/NĐ-CP cho thấy chính sách đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kích thích nhu cầu mua xe ô tô của các tổ chức, cá nhân, đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sau 5 năm thực hiện thu LPTB theo Nghị định 140/NĐ-CP và Nghị định số 20/2019/NĐ-CP tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng chính sách thu LPTB vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành...
Ngoài ra, theo Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 29/5/2021 và Công văn số 1518/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thu LPTB tại Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016, đồng thời nghiên cứu để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp, trong đó có mức thu LPTB đối với ô tô điện chạy pin. Do đó, cần thiết bổ sung quy định giảm LPTB đối với xe ô tô điện chạy pin để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích việc sản xuất và sử dụng ô tô điện chạy pin, từ đó góp phần giảm thiểu lượng khí thải của các phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Cổng Thông tin Bộ Tài chính