Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm

Đăng ngày 03 - 10 - 2022
Lượt xem: 213
100%

Trong 09 tháng năm 2022, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm khi chỉ có 01 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang, trong đó do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan.

 

1 doanh nghiệp cổ phần hóa

Thông tin về kết quả cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước 9 tháng năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra ghi nhận bổ sung 01 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, trong tháng 9 năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 48,3 tỷ đồng, thu về 109,1 tỷ đồng và có 01 đơn vị thoái vốn không thành công. Lũy kế 9 tháng năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 466 tỷ đồng, thu về 2.289,5 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: GH

Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định trong 9 tháng đầu năm 2022, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, trong đó do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan.

Theo đó doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn này có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian; một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.

Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương nhưng có doanh thu và lợi nhuận thấp, không thu hút nhà đầu tư.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong 02 năm qua, xung đột chính trị - quân sự trên thế giới tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Về nguyên nhân chủ quan, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất; xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.

Gỡ vướng chính sách

Nhằm kịp thời gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, về cơ chế chính sách, hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015, số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018, số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 trong năm 2022. Trong đó tập trung vào một số nội dung chính còn vướng mắc như: Tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa; Việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp; Quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa…

Về khâu triển khai thực hiện, Bộ Tài chính kiến nghị, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025” và Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi cao nhất phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.

Về phía Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.

Đặc biệt cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan.

Tin liên quan

Hội nghị triển khai kế hoạch phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua năm 2024...(08/04/2024 4:35 CH)

Sở Tài chính tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 3 và...(05/04/2024 4:52 CH)

Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 về việc chuyển giao công...(04/04/2024 1:50 CH)

TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP THU NGÂN SÁCH NĂM 2024(18/03/2024 8:47 SA)

Về việc tổ chức thi tuyển chức danh Phó Trưởng phòng Quản lý ngân sách và Phó Chánh Thanh tra...(12/03/2024 2:22 CH)

Tin mới nhất

Hội nghị triển khai kế hoạch phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua năm 2024...(08/04/2024 4:35 CH)

Sở Tài chính tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 3 và...(05/04/2024 4:52 CH)

Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 về việc chuyển giao công...(04/04/2024 1:50 CH)

TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP THU NGÂN SÁCH NĂM 2024(18/03/2024 8:47 SA)

Về việc tổ chức thi tuyển chức danh Phó Trưởng phòng Quản lý ngân sách và Phó Chánh Thanh tra...(12/03/2024 2:22 CH)

53 người đang online
°