Tham gia đoàn khảo sát, trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Đình Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải
Đình làng Dư Khánh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thuộc thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Được xếp hạng di tích năm 1999. Di tích hiện do UBND huyện Ninh Hải trực tiếp quản lý theo quy định tại Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân cấp trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh; Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trải qua quá trình sử dụng và tác động của khí hậu, môi trường... đến nay di tích Đình làng Dư Khánh đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, sửa chữa ở nhiều hạng mục khác nhau của di tích như Chánh điện, Nhà Tiền đàng, Nhà Tây... Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạng mục, công trình hiện chưa được tu bổ, sửa chữa, đang bị xuống cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng con người trong công tác quản lý, bảo vệ và tham gia sinh hoạt tín ngưỡng tại di tích.
Page Content
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc khảo sát, có phương án trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Đình Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Ngày 19/10/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì mời các Sở, ngành có liên quan tổ chức khảo sát, đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Đình làng Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải.

Tham gia khảo sát gồm có: Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Chủ trì; Đại diện các đơn vị: Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng; UBND huyện Ninh Hải; UBND thị trấn Khánh Hải; Phòng VHTT huyện Ninh Hải; Trưởng Ban và thành viên Ban quản lý di tích đình Dư Khánh; Đơn vị tư vấn thiết kế.
Tại buổi khảo sát, ông Phan Đình Hòa, Trưởng BQL di tích đình Dư Khánh đã báo cáo tóm tắt công tác quản lý, hoạt động tại di tích; đồng thời phản ánh tình trạng xuống cấp của di tích ở các hạng mục, công trình sau đây:
+ Nhà Đông (có chức năng tiếp khách, sinh hoạt hội họp của BQL Đình và Nhân dân trong các kỳ tế lễ ở đình);
+ Nhà Trù (còn gọi là Nhà bếp, là nơi để chế biến lễ vật phục vụ các kỳ tế lễ tại đình);
+ Nhà Cối và khu vệ sinh (là nơi để chứa vật dụng liên quan đến sinh hoạt tại đình).

Sau khi tiến hành khảo sát, các thành viên tham gia đã thống nhất đánh giá mức độ xuống cấp của các công trình Nhà Đông, Nhà Trù, Nhà Cối như sau:
- Đối với Nhà Đông, trong các lần tu sửa trước đây (trước khi đình được xếp hạng di tích), do không có điều kiện kinh phí nên Ban quản lý đình đã thay đổi từ mái lợp ngói sang mái lợp tôn, vì vậy không phù hợp với kiến trúc, cảnh quan tổng thể di tích hiện nay. Hiện nay mái tôn cũng đã bị dột khi vào mùa mưa; hệ thống vì kèo xuống cấp, mối mọt xâm hại.
- Đối với Nhà Trù: nền láng vữa xi măng đã bong tróc; Tường hiện hữu đã bị bong, xủi lớp vữa trát; Trụ gạch đỡ kèo gỗ đã nứt, mất khả năng chịu lực; Mái, hệ khung kèo gỗ: mái lợp ngói đã bể; hệ kết cấu đỡ mái đã bị mối mọt, có khả năng đổ, sập bất cứ lúc nào; Hệ thống điện: lắp đặt tạm bợ, rất nguy hiểm; Chưa có hố ga chứa nước thải trong quá trình sử dụng.
- Đối với Nhà Cối: nền láng vữa xi măng đã bong tróc; Tường hiện hữu đã bị bong, xủi lớp vữa trát. Trụ gạch đỡ kèo gỗ đã nứt, mất khả năng chịu lực; Mái, hệ khung kèo gỗ: mái lợp ngói đã bể; hệ kết cấu đỡ mái đã bị mối mọt, có khả năng đổ, sập bất cứ lúc nào; Hệ thống điện: lắp đặt tạm bợ, rất nguy hiểm; Nhà vệ sinh hiện hữu xây dựng phía trước nhà cối gây mất mỹ quan.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tham gia buổi khảo sát đã thống nhất đánh giá hiện trạng các công trình Nhà Đông; Nhà Trù và Nhà Cối thuộc di tích quốc gia đình Dư Khánh đã bị xuống cấp; một số vị trí, hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người và hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tại di tích. Cụ thể như hệ thống vì kèo và mái ngói của Nhà Trù và Nhà Cối. Đại biểu tham gia cuộc họp thống nhất kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương có liên quan xem xét bố trí nguồn kinh phí để sớm triển khai tu bổ, sửa chữa các hạng mục công trình bị xuống cấp. Đề nghị xem xét bố trí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đối với nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn, thuộc Nội dung 5 của Nội dung dự án thành phần số 02.
NDDT-QLNS