Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid 19

Đăng ngày 06 - 08 - 2021
Lượt xem: 1.202
100%

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, tiền điện, nước, viễn thông, lãi suất và vốn đã được các cấp có thẩm quyền ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Tại Diễn đàn kinh tế trực tuyến “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid 19” do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 5/8, nhiều chuyên gia, đại diện Hiệp hội tham dự đều chung nhận định các giải pháp hỗ trợ của nhà nước là kịp thời, có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, là nguồn lực đáng kể giúp doanh nghiệp vượt khó khăn và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.

 

image

Các diễn giả tham dự diễn đàn

Hỗ trợ doanh nghiệp từ chính sách đến tiếp cận chính sách

Thời gian qua, đại dịch Covid 19 diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 gây ra những tổn hại to lớn về sức khỏe, tính mạng người dân và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai...

Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là Bộ Tài chính đã và đang khẩn trương, quyết liệt thiết lập, ban hành nhiều cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn phức tạp.

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế đất nước, các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo thẩm quyền của Chính phủ đã được triển khai từ tháng 4/2020. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm và các hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành trong năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các chính sách này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ đạt khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vắc-xin 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, cơ quan thuế còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế - Tổng cục Thuế cho biết, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Để chính sách thuế mới đến được với người nộp thuế, nhất là chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế làm thủ tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Các Cục Thuế cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng việc đăng tải nội dung của Nghị định 52/2021/NĐ-CP với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, dễ hiểu trên trang web của Cục Thuế, trên facebook, zalo, Youtube,...để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Đồng thời, đăng tải rộng rãi trên báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp tiếp cận.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã đưa 479 kênh hỗ trợ trực tuyến (hệ thống eTax) vào hoạt động. Ngoài các buổi hỗ trợ trực tuyến mà các Cục Thuế đang thực hiện, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, nếu người nộp thuế có bất cứ thắc mắc nào có thể gửi câu hỏi đến cơ quan thuế thông qua kênh hỗ trợ trực tuyến này. Đội ngũ công chức thuế sẽ cập nhật và có phản hồi sớm nhất đến người nộp thuế.

70% doanh nghiệp hài lòng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, TS. Tô Hoài Nam – Thành viên tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh có thể nói là rất kịp thời và hiệu quả. Theo khảo sát của Hiệp hội, đến 70% DN đánh giá là hài lòng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Cũng theo ông Nam, về lâu dài, các chính sách hỗ trợ ngắn hạn khi khó khăn kết hợp với các chính sách dài hơi đã có sẵn sẽ bổ trợ cho nhau để mang đến nguồn lực tốt hơn cho DN. Và những nỗ lực này của nhà nước là một điều rất ý nghĩa về mặt chính trị. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ cảm thấy Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của cộng đồng DN.

image

GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Đồng quan điểm trên, GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, trước tác động của đại dịch, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách kịp thời phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tất cả các hoạt động phòng, chống dịch như tổ chức cách ly các ổ dịch, cử lực lượng tham gia tuyến đầu,… đều phải kèm theo các khoản chi từ NSNN nhưng chưa từng có trong tiền lệ. Vì vậy, Chính phủ đã ngay lập tức đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định ngay chế độ chi từ những ngày đầu dịch bùng phát. Điều đó thể hiện sự kịp thời trong hành động của Quốc hội và Chính phủ.

Gần đây, tại Kỳ họp thứ nhất -khóa XV, Quốc hội đã dành một chương trình nghị sự riêng và thông qua Nghị quyết giao cho Chính phủ toàn quyền ra quyết định cần thiết để ứng phó kịp thời, phục vụ phòng, chống dịch ngay lập tức, kể cả các vấn đề luật pháp chưa quy định. Thậm chí, nếu có vấn đề không phù hợp quy định hiện hành, Chính phủ cũng có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay để quyết định.

Doanh nghiệp cần “chia sẻ” khó khăn với nhà nước

Các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội tham gia diễn đàn đều cho rằng, trong bối cảnh NSNN hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành ra nhiều khoản chi; nhiều chính sách sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ kinh doanh mất nguồn thu, hỗ trợ người dân mất việc, hỗ trợ doanh nghiệp trả tiền lương cho người lao động, giảm tiền điện, nước, viễn thông,… là động thái rất đáng trân trọng và áp ứng được những nhu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ “góp phần” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chứ không thể đóng vai trò quyết định. Vấn đề chính vẫn là năng lực nội tại của doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế.

image

TS. Tô Hoài Nam – Thành viên tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Theo PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính, khi dịch bệnh xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp đã có những động thái chuyển đổi rất nhanh nhạy để thích ứng với điều kiện mới. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại là “win-win” tức là các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác để cùng chia sẻ khó khăn cùng tồn tại. Tới đây, doanh nghiệp cần phải tiếp tục thay đổi về tư duy kinh doanh, phương thức quản lý doanh nghiệp để phù hợp với điều kiện mới để đảm bảo sự tồn tại trước mắt và sự phát triển trong tương lai.

Trên phương diện tận dụng chính sách hỗ trợ từ nhà nước, với sự hướng dẫn tận tình của cơ quan thuế, phần lớn doanh nghiệp thuộc đối tượng đã thực hiện đúng các thủ tục để được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thuộc diện được hưởng hỗ trợ nhưng xét thấy tài chính không quá khó khăn thì lựa chọn thực hiện nghĩa vụ thuế đúng hạn. Đây là động thái đáng quý để chia sẻ khó khăn với nhà nước khi NSNN còn nhiều gánh nặng.

Cùng quan điểm với PGS.TS. Lê Xuân Trường, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng thời gian tới, bên cạnh sự chia sẻ, nỗ lực hỗ trợ của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn để chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ, “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của DN để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.

Theo Cổng Thông tin Bộ Tài chính

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nỗ lực đảm bảo NSNN cho tăng trưởng và phòng chống dịch(09/08/2021 7:29 CH)

Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thu Lệ phí trước bạ (Phần 1)(09/08/2021 7:28 CH)

Giảm 50% mức thu phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y(06/08/2021 7:28 CH)

Thu NSNN ngành thuế quản lý 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 68,4% dự toán(04/08/2021 7:28 CH)

Cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19(04/08/2021 7:28 CH)

7 người đang online
°